Đó là nội dung được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy BR-VT về việc xây dựng đề án, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 27/7.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND-UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp và làm việc với đoàn.
Nhiều chính sách được ban hành đúng hướng
Báo cáo với Đoàn công tác về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách CNH-HĐH giai đoạn 2001-2020 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn cho biết, giai đoạn 2001-2020, tỉnh đã có nhiều chính sách tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thúc đẩy CNH-HĐH. Đó là chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của địa phương; chính sách đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị gắn với CNH-HĐH; chính sách phát triển kinh tế biển; chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với quá trình phục vụ CNH-HĐH; chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo….
“Trong quá trình phát triển, BR-VT cần phát huy tối đa năng lực nội sinh và tính chủ động, tự chủ; đồng thời chú trọng đến yếu tố ngoại lực gắn với hội nhập quốc tế, cần có sự đánh giá sâu hơn về hiệu quả, chất lượng thực hiện, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài”.
Ông Trần Tuấn Anh Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
|
Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của BR-VT bao gồm cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với năm 2001. Cơ cấu kinh tế trừ dầu khí chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Nếu như năm 2001, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 47,59% thì đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng lên 55,63%, với chất lượng tăng trưởng tốt và nhanh. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cả dầu khí đạt 12.958 USD/người. Tỉnh đã chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh-xã hội, môi trường và các yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình CNH-HĐH.
Xây dựng cơ chế, chính sách để biến lợi thế thành cơ hội
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh khẳng định, BR-VT hoàn toàn có thể là địa phương dẫn dắt sự phát triển của vùng, của cả nước nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Bởi BR-VT đang sở hữu nhiều lợi thế mà không nhiều nơi ở Đông Nam Á và cả châu Á có được. Đó là cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải, có khu Cái Mép Hạ rộng 1.700ha được quy hoạch làm trung tâm logistics…
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị xây dựng một cơ chế, chính sách để biến những lợi thế này thành cơ hội, thành động lực cho CNH-HĐH. Qua đó, sẽ đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển chung không chỉ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả về CNH-HĐH của tỉnh BR-VT.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, với việc xác định mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của Nhân dân; tiếp tục phát triển BR-VT thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao” là một hướng đi đúng đắn.
Ông cũng tin tưởng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, tham gia của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, BR-VT sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn trong nhiệm kỳ này và trong giai đoạn tới; góp phần vào sự thành công của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Thăm, làm việc tại Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam
Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi khảo sát, làm việc thực tế tại dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (TP Vũng Tàu). Dự án này có tổng mức đầu tư 5 tỉ USD do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Tại đây, Đoàn đã nghe ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn báo cáo tổng quan về Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam (LSP) mà DN đang thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, dự án đã hoàn thành 95,7% tiến độ và dự kiến đưa vào chạy thử một số nhà máy vào quý 3, 4 năm nay. Cùng với đó, đại diện DN cũng nhấn mạnh các dự án đang được thúc đẩy triển khai, gồm: nâng cấp LSP (LSPD) và giai đoạn 2 của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (LSP2). Theo đó, LSP2 sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: polyme xanh thân thiện môi trường theo định hướng ESG (môi trường, xã hội và quản trị) nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Dự án sẽ được triển khai trong cùng khu vực với dự án LSP hiện tại, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng nhà máy. Ngoài việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, SCG mong muốn 2 dự án này sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong tương lai để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường công nghiệp hóa dầu và các ngành công nghiệp có liên quan. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao tiến độ thực hiện dự án LSP của chủ đầu tư, đồng thời nhận định, đây là dự án có vai trò quan trọng không chỉ với BR-VT mà còn của cả nước. Ông đề nghị Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và tỉnh BR-VT để dự án được vận hành thương mại theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn và hiệu quả. |
Ưu tiên ngành, lĩnh vực có hàm lượng KHCN cao
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm, nhận diện rõ hơn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu trong phát triển công nghiệp như: việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, hạ tầng CCN phát triển chưa xứng với tiềm năng. Một số dự án đầu tư quy mô lớn về năng lượng chưa được triển khai theo kế hoạch đề ra.
“Thực hiện CNH-HĐH không chỉ tập trung phát triển công nghiệp hay kinh tế nói chung, mà còn phát triển xã hội, xây dựng văn hóa, con người, nguồn nhân lực. Do đó, tỉnh cần quan tâm, có chủ trương mới, cách làm hay thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về định hướng thực hiện CNH-HĐH, BR-VT cần quan tâm phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng-khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới. Tỉnh cần hoàn thiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm, gắn với nâng cấp hệ thống các đô thị hiện có và tập trung đầu tư các đô thị mới; chú trọng quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có phát thải các-bon thấp, hàm lượng khoa học công nghệ cao...
Từ phải qua, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với đại diện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn về tổng quan Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam mà doanh nghiệp đang thực hiện. |
PHAN HÀ - baobariavungtau.com.vn