Huyện Tân Thành: Chuyển biến tích cực về giải phóng mặt bằng

2018-04-28 08:00

Tập trung nhiều dự án trọng điểm trong phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mỗi năm huyện Tân Thành phải thu hồi hàng trăm ha đất cho các dự án. Vì vậy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được Đảng bộ-Chính quyền huyện Tân Thành đặc biệt chú trọng. Theo đó, những năm gần đây, công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng tại huyện Tân Thành có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm.

Hạ tầng thuộc giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến nay đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng thu hút nhà đầu tư.
Hạ tầng thuộc giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến nay đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng thu hút nhà đầu tư.

DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM TRIỂN KHAI ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Cuối năm 2009, dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải khởi công xây dựng. Đây là công trình trọng điểm, kết nối giao thông liên vùng, phục vụ cho sự phát triển của cụm cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường này dài 21,3km, điểm đầu giáp cảng tổng hợp container Cái Mép hạ thuộc huyện Tân Thành, điểm cuối giáp cảng Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Với quy mô này có 17 hộ dân, 6 tổ chức, với 50ha đất phải giải tỏa. 

Để dự án nhanh chóng triển khai, huyện Tân Thành đã phối hợp chặt chẽ với huyện Nhơn Trạch trong thực hiện thu hồi, giải phóng mặt, bàn giao đất sạch cho dự án. Thông qua các buổi đối thoại, tiếp xúc cử tri, chủ trương, ý nghĩa của dự án và phương án bồi thường kịp thời chuyển tải đến các hộ dân có đất nằm trong dự án. Nhờ đó, mà người dân đã đồng tình giao đất, chấp thuận chủ trương bồi thường để dự án triển khai đúng tiến độ. Đến nay, dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đã hoàn thành 90% khối lượng công việc của giai đoạn 1. 

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong 2 KCN kiểu mẫu nằm trong thỏa thuận hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo kế hoạch, cuối năm 2014, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 phải hoàn thiện hạ tầng, thế nhưng, đến cuối 2015, mới có hơn 630ha, tức hơn 60% diện tích đất thuộc dự án hoàn tất thủ tục chi trả bồi thường, hỗ trợ và nhận bàn giao mặt bằng. Diện tích còn lại, vướng mắc lớn nhất vẫn là người dân không đồng ý giá bồi thường, khiếu kiện kéo dài. Để  đẩy nhanh tiến độ KCN, chính quyền và các phòng ban chức năng huyện Tân Thành, cùng chủ đầu tư đã tăng cường đối thoại, lắng nghe và kiên trì vận động, thuyết phục 638 hộ bị thu hồi đất. Đến thời điểm này, công tác đầu tư hạ tầng khu 1A thuộc giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã cơ bản hoàn thành. Dự án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho tỉnh BR-VT. 

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3) cho biết, việc các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đã tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai các dự án. Bởi nếu không được bàn giao đất sạch, các nhà đầu tư không thể triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kế hoạch kinh doanh của DN.

DÂN THUẬN CHUYỆN GÌ CŨNG DỄ

Đồng chí Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND huyện Tân Thành cho biết, là địa phương tập trung nhiều dự án cần triển khai, nhiều diện tích đất phải giải tỏa phục vụ tiến trình đô thị hóa, do đó để thực hiện tốt việc giải tỏa cần có sự đồng tình của người dân. Do vậy, muốn được sự ủng hộ của người dân trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Khi có chủ trương triển khai dự án, huyện tổ chức họp dân, công khai chủ trương thu hồi đất, mục đích, yêu cầu đối với việc thực hiện dự án, cử đại diện hộ dân bị thu hồi đất tham gia xuyên suốt quá trình thực hiện dự án. Công tác kiểm kê, thu thập hồ sơ pháp lý và xét tình trạng sử dụng đất, tài sản trên đất bị thu hồi phải được thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật và sát với thực tế. Từ đó mới áp giá bồi thường và áp dụng các chính sách hỗ trợ, tái định cư đúng với từng đối tượng hộ dân bị giải tỏa. Sau khi áp giá bồi thường phải tổ chức niêm yết công khai số tiền bồi thường của từng hộ tại địa phương, xem xét giải quyết phản ảnh của người dân trước khi UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường. Các cuộc tiếp xúc, đối thoại diễn ra định kỳ, hoặc bất kỳ thời gian nào theo yêu cầu thực tế để kịp thời xử lý những vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận cao từ phía người dân, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Tân Thành thực hiện hiệu quả, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư. 

Bà Phạm Thị Lý (ấp Ông Trịnh, xã Tân Phước) cho biết, nhờ chính quyền tổ chức đối thoại, công khai minh bạch giá bồi thường, phân tích rõ mục đích của việc triển khai dự án nên chúng tôi đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng. 

Năm 2017, huyện Tân Thành đã ban hành quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho 1.075 hộ với 85ha. Riêng trong quý I-2018, huyện Tân Thành đã ban hành quyết định phê duyệt 33 đợt với 200 hộ dân và 8 tổ chức với tổng diện tích gần 130ha, tổng số tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng gần 73 tỷ đồng. “Năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng của huyện Tân Thành dự kiến trên 425 tỷ đồng. Để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, huyện sẽ tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của nhà nước và lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để giải quyết kịp thời, làm sao cho người dân sẵn sàng tham gia đóng góp vào công tác đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương”, đồng chí Nguyễn Văn Thắm cho biết thêm.

Theo Ngô Thanh - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu